Nội dung
LỄ HỘI CHÙA BÀ BÌNH DƯƠNG -

Ngày đăng: 23/03/2016

Danh mục: SƯU TẦM

LỄ HỘI CHÙA BÀ BÌNH DƯƠNG

Trên khắp đất nước ta có vô vàn những ngôi đền thờ Bà, cách gọi tôn kính các vị nữ Thần, dù là có gốc gác người Việt, Chăm, hay Hoa… Riêng ở Bình Dương, chùa Bà, là cách gọi nơi thờ Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị nữ thần của người Trung Hoa.

Khắp thế giới có khoảng 5000 ngôi đền thờ Bà Thiên Hậu ở trên 20 quốc gia, nhiều nhất là vùng châu Á. Tại Việt Nam, từ Bắc tới Nam ở nơi nào hễ có người Hoa sinh sống thì cũng có nhiều đền miếu như vậy. Tập trung nhiều nhất là vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và Bình Dương.

Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Bình Dương được thờ trong bốn ngôi chùa ở Bưng Cầu, Lái Thiêu, Búng và ở Thủ Dầu Một là lớn nhất

+Chùa Bà Phú Cường - thị xã Thủ Dầu Một:
Ngôi chùa này nằm trên đường Nguyễn Du, phường Phú Cường, nơi tổ chức lễ Cộ Bà hàng năm lớn nhất trong tỉnh, và có lẽ lớn nhất Việt Nam nữa. Đây là ngôi chùa nổi tiếng nhất, thu hút lượng người hành hương, chiêm bái hàng năm đông đảo nhất.
Về thời điểm thành lập chùa, các tác giả đưa ra nhiều niên đại khác nhau:
1. Đầu thế kỷ XX (1923), miếu được di dời về vị trí hiện nay (Nguyễn Thị Lan)
2. Đến năm 1925, thì chùa được dời về vị trí hiện nay.” (Huỳnh Ngọc Đáng, Phú Cường, Lịch sử -Văn Hóa và truyền thống cách mạng, 1990, tr. 46)
3. Đến năm 1923, chùa được xây dựng với quy mô lớn trên vị trí hiện nay (đường Nguyễn Du, trung tâm thị xã) (Địa Chí Bình Dương, nxb. Chính Trị Quốc Gia 2010, tr.248)
4. “Chưa có cứ liệu xác định năm thành lập, nhưng theo một số người lớn tuổi cho biết khoảng năm 1934-1935 cơ sở thờ Bà đã có. Vậy, có thể Thiên Hậu cung ở Phú Cường được lập khoảng từ sau năm 1920, khi ở khu vực chợ Thủ Dầu Một đã thành lập bốn bang người Hoa riêng theo từng nhóm phương ngữ” (Huỳnh Ngọc Đáng chủ biên, Người Hoa ở Bình Dương, nxb. Chính Trị Quốc Gia-Sự Thật, 2012, tr. 311)
5. “Năm 1945 cơ sở này bị phá hủy trong chiến tranh, sau đó người Hoa di dời tượng bà và đồ thờ tự về Thiên Hậu cung tại Phú Cường hiện nay. (Người Hoa ở Bình Dương, nxb. Chính Trị Quốc Gia-Sự Thật, 2012, tr. 311).

+ Nữ thần Thiên Hậu
Theo truyền thuyết được ghi ở tấm bia đá đặt ở chùa, Bà sinh vào thời Tống Kiến Long nguyên niên (Công nguyên 960), là con thứ 6 của gia đình họ Lâm ở huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Khi mới lọt lòng mẹ, bà đã toả ánh hào quang và hương thơm. Lớn lên, Bà thường cưỡi thảm bay lượn trên biển và du ngoạn nhiều nơi. Đến đời Tống Ung Hy tứ niên (Công nguyên 987), năm 27 tuổi Bà từ giã cõi trần và hiển linh. Đời Nguyên, Bà được phong là Thiên Phi, đến đời Thanh, vua Khang Hy gia phong làm Thiên Hậu. Và danh hiệu Thiên Hậu tồn tại mãi cho đến nay.

Từ truyền thuyết dân gian đã chuyển hoá thành tín ngưỡng và Bà được những thế hệ sau hương khói, phụng thờ ở nhiều nơi. So những điều ghi ở bia đá nói trên với một số truyền thuyết về Bà ở các chùa khác thì có ít nhiều khác biệt, nhưng tựu trung họ đều ca ngợi suy tôn Bà là một người phụ nữ đức hạnh có lòng hiếu thảo xả thân cứu người đời và khi chết trở thành hiển linh, được các triều đại phong kiến Trung Quốc phong tặng. Đề cao Bà Thiên Hậu, ngưỡng mộ và phụng thờ Bà như một vị hiển thánh, bà con người Hoa muốn thông qua tấm gương của Bà mà giáo dục cộng đồng của mình hãy học tập lòng hiếu thuận, đức nhân hậu của Bà, sống có đạo nghĩa. Mặt khác, trên con đường vượt sóng gió biển khơi, đi về hướng nam tìm đất lập nghiệp đầy gian truân, họ luôn cầu nguyện Bà giúp đỡ, phù hộ và sau khi đã định cư, ổn định đời sống, sum họp đông vui, làm ăn phát đạt trên đất Việt Nam, quê hương thứ hai của họ, họ cùng nhau lập đền thờ để tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với Bà.

+ Lễ hội hằng năm:
Lễ hội chùa Bà hàng năm được tổ chức vào 3 ngày từ 13 đến 15 tháng 1 âm lịch.
- Đêm 13/1 âm lịch, nhân dân ở thị xã Thủ Dầu Một bày bàn ra trước nhà để cúng tế chuẩn bị cho lễ rước Bà ngày hôm sau. Dân chúng các vùng lân cận cũng đổ về đây khá đông.
- Sáng 14 lễ rước Bà được tổ chức theo nghi thức cổ truyền: kiệu Bà được rước đi khắp các đường phố cùng với những đội múa lân, sư tử, rồng, cờ xí ngợp trời.
- Ngày 15 dân chúng lại kéo nhau về chùa Bà để thắp hương cúng lễ, cầu phúc, cầu lộc cho năm mới.

Hàng năm, ngày hội rằm tháng Giêng tại Chùa Bà thị xã Thủ Dầu Một đã trở thành ngày hội lớn của cư dân Hoa, Việt ở Nam Bộ. Lễ hội đã tạo điều kiện tăng cường tình đoàn kết gắn bó của hai dân tộc nhiều hơn và đã trở thành một nét văn hóa chung của dân tộc Việt Nam.
(Tổng hợp từ internet)

LỄ HỘI CHÙA BÀ BÌNH DƯƠNG

Trên khắp đất nước
Comment
Họ và tên : (*)
Email : (*)
Tiêu đề : (*)
Comment (*)